Bao ước mơ, hoài bão của một cô gái trẻ chưa được thực hiện, chị Hoa hình dung cánh cửa cuộc đời đã khép trước mặt. Sau tai nạn, vết thương đã lành nhưng mất đi ngón cái ở cả hai bàn tay khiến chị không thể cầm nắm cũng như làm được việc gì, kể cả tự chăm sóc những sinh hoạt hàng ngày của bản thân. Vì thế, chị gần như không dám nghĩ đến việc tìm một người chồng, xây dựng hạnh phúc riêng cho mình.
Hình ảnh bàn tay bệnh nhân trước và sau ca mổ. Ảnh: BVCC. |
Cuộc phẫu thuật do giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Việt Tiến (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) và các bác sĩ khoa vi phẫu thuật chấn thương chi trên (B1- B) tiến hành. Sau phẫu thuật, Hoa đã có ngón tay cái mới. Sau 6 tháng phục hồi chức năng, chị đã có thể làm hầu hết các công việc nhà như khâu vá, giặt quần áo, lau dọn nhà cửa… “6 tháng đó tuy vất vả, khổ cực nhưng mình lại vui vẻ vì cuộc đời có thêm hy vọng. Không lâu sau, mình quay trở lại làm việc như trước kia”, chị Hoa nói.
Cuối năm 2014, Hoa lập gia đình và hiện có một bé gái kháu khỉnh 21 tháng tuổi. Hiện nay, chức năng tay của chị đã phục hồi được trên 95%.
Trường hợp bệnh nhân được ghép chuyển ghép ngón chân lên thành ngón tay cái như chị Hoa không phải hiếm gặp. Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, từ năm 1988 đến nay, Viện đã tiến hành chuyển ngón chân tái tạo ngón tay cái cho trên 50 bệnh nhân. Kết quả phục hồi chức năng và thẩm mỹ đạt tốt.
Ngón chân cái được ghép chuyển ghép lên tạo thành ngón tay cái đã giúp nhiều người bệnh hòa nhập lại với cuộc sống. Ảnh: BVCC. |
Cũng theo phó giáo sư Đoàn, kỹ thuật tạo hình phục hồi ngón tay cái là thách thức lớn cho phẫu thuật viên. Hiện nay có nhiều phương pháp để tái tạo ngón tay cái. Trong đó, phẫu thuật chuyển ngón chân tái tạo thành ngón tay cái là kỹ thuật hiện đại, tiên tiến và được nhiều phẫu thuật viên trên thế giới ứng dụng. Phương pháp có nhiều ưu điểm: ngón được phục hồi đáp ứng cả về chức năng vận động, cảm giác và tính thẩm mỹ cao, di chứng ảnh hưởng đến chức năng của bàn chân gần như không đáng kể.
Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các nước thực hiện thành công hàng trăm ca vi phẫu phức tạp với tỷ lệ phục hồi trên 97%. Ngành vi phẫu thuật đã giúp cứu sống, thay đổi cuộc đời của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn trường hợp bị tai nạn lao động xảy ra ở Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm cả nước có đến 160.000-170.000 người bị tai nạn lao động, làm chết người hoặc tổn thương bất kỳ bộ phận chức năng nào của cơ thể. Người bị di chứng sau tai nạn (mất một phần bộ phận cơ thể) bị ảnh hưởng trong cuộc sống, sinh hoạt và tâm lý chiếm một tỷ lệ khá cao.
Thảo Vy
Nguồn thông tin được GUU 4YOU sưu tầm từ Internet