Nguy cơ nấm da đầu
Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, hầu hết chúng ta chưa có ý thức trong việc vệ sinh mũ bảo hiểm hằng ngày nên bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn tích tụ lại trong mũ ngày càng nhiều. Khi đội mũ này trực tiếp lên đầu, vi khuẩn sẽ có cơ hội tấn công và gây bệnh.
Mặt khác, lúc đội mũ da đầu lại bị bịt kín, thời tiết nóng bức làm đổ mồ hôi nhiều. Đây chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, nấm phát triển và gây nên những loại bệnh như nấm da đầu, viêm chân tóc, gàu khiến “khổ chủ” thấy ngứa ngáy, khó chịu, rụng tóc...
Mũ bảo hiểm là ổ chứa vi khuẩn và nấm mốc. (Ảnh minh họa: Gettyimages)
Những người làm công việc đòi hỏi phải đội mũ bảo hiểm, mũ bảo hộ lao động nhiều và thường xuyên như: công nhân xây dựng, giao hàng, xe ôm… có nguy cơ bị nấm da đầu nhiều hơn. Một số người lại bị viêm da tiếp xúc dị ứng với vật liệu lót bên trong mũ nên càng đội mũ nhiều càng ngứa ngáy, nổi mẩn, vảy sừng. Số khác lại bị lây bệnh nấm từ người khác do dùng chung mũ mà không được vệ sinh sạch sẽ.
Biểu hiện của nấm da đầu:
- Nấm chủng Trichophyton: Biểu hiện là những vệt nhỏ, có vảy mỏng, tóc lành xen kẽ với tóc bị xén cụt, thậm chí có sợi tóc chỉ còn 1-2 mm, gây ngứa ngáy da đầu.
- Nấm chủng Microsporum: Dấu hiệu của bệnh là những đám tròn trên da, có vảy màu tro xám. Tóc ở những vùng này thường bị xén cụt, chân tóc có bựa trắng. Chứng bệnh này rất dễ bị nhầm lẫn với bệnh chốc đầu, á sừng liên cầu.
- Nấm chủng Piedra hortai: Chủng nấm này thường gây ra bệnh tóc hột (trứng tóc). Biểu hiện của bệnh là những hạt tròn bằng hạt kê giống trứng chấy bám dọc thân tóc, gây khó chịu, ngứa ngáy và còn ảnh hưởng cả đến thẩm mỹ.
Biểu hiện của nấm chủng Piedra hortai. (Ảnh minh họa)
Đội mũ quá nặng dễ bị thoái hóa đốt sống cổ
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại mũ bảo hiểm khối lượng rất nặng. Khách hàng tin tưởng những chiếc mũ này sẽ bảo vệ được đầu khi xảy ra tai nạn mà chưa nhìn ra nguy cơ chúng có thể gây thoái hóa đốt sống cổ nếu đội thường xuyên. Do sức nặng của mũ dồn ép lên đầu và cổ, lâu ngày tạo nên một áp lực và dần gây thoái hóa. Nhiều người còn bị chứng đau đầu hành hạ do khi đội mũ bảo hiểm quá chật và quá nặng.
Cách vệ sinh và chọn mũ an toàn
Muốn phòng tránh các bệnh về da đầu, bạn cần vệ sinh mũ bảo hiểm thường xuyên bằng các phương pháp như: phơi nắng để diệt khuẩn, xịt dung dịch sát khuẩn rồi lau sạch mũ bằng khăn khô trước khi đội… Bên cạnh đó, nên mua thêm những miếng lót nón bảo hiểm làm bằng các loại vải mềm, thấm hút mồ hôi, ít gây kích ứng da để thay và giặt miếng lót thường xuyên. Ngoài ra, nên treo nón ở nơi khô thoáng để đề phòng nấm, vi khuẩn tấn công.
Đội mũ bảo hiểm quá nặng dễ gây thoái hóa đốt sống cổ. (Ảnh minh họa: shutterstock)
Khi mua mũ bảo hiểm phải chọn loại mũ đạt chất lượng, quy cách để bảo vệ đầu, có lỗ thoáng khí và miếng lót bên trong có thể gỡ ra để giặt được. Không nên vì ham rẻ, mẫu mã đẹp mà chọn những loại mũ kém chất lượng được bày bán trên vỉa hè, vừa có nguy cơ gây hại da đầu mà còn không thể bảo vệ đầu khi tai nạn xảy ra.
Mặt khác, bạn chọn lựa những chiếc mũ vừa với đầu, không chật hay rộng quá, cũng không quá nặng, có quai êm sẽ giúp bạn tránh được tình trạng đau đầu, thoái hóa đốt sống cổ do đội mũ bảo hiểm.
Nguồn thông tin được GUU 4YOU sưu tầm từ Internet