1. Patbingsu - kem đá bào hoa quả
Kem đá bào mới “du nhập” tới Hà Nội 1, 2 năm trở lại đây và ngày càng được đông đảo thực khách yêu thích.
Một bát patbingsu thường gồm đá bào đủ vị (dưa hấu, dưa lưới, dâu tây…), trái cây xắt nhỏ, thêm vài viên thạch hay bánh quy thơm bùi hấp dẫn. Món ăn vặt Hàn Quốc này lôi cuốn thực khách ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi cách trình bày đẹp mắt, nhiều màu sắc. Ở một số quán, những viên đá bào thường được đặt trong chính trái dưa lưới khá "khủng", nhìn qua đã muốn thưởng thức.
So với các món ăn vặt thông thường, patbingsu có giá khá “chát”, trung bình từ 40 - 60 ngàn/bát, có nơi bán hơn 100 ngàn/bát với chỗ ngồi sang trọng, mát mẻ. Bù lại, lượng kem và trái cây cũng khá “khủng”, nhiều người có thể ăn thay bữa trưa hay bữa tối mà không cần gọi thêm gì khác.
2. Quy linh cao
Quy linh cao (hay còn gọi cao quy linh) vốn là món ăn tráng miệng đặc sản của người Hoa. Cao quy linh truyền thống được làm từ khá nhiều thành phần, trong đó có thổ phục linh, bột mai rùa, cam thảo...
Quy linh cao hình thức khá giống với thạch rau câu, nhưng ăn mềm và dai hơn, có thêm chút đắng nhẹ vì trong thành phần có một vài vị thuốc. Cách thưởng thức món chè này cũng khác với thạch rau câu. Theo truyền thống, quy linh cao thường được ăn kèm mật ong để giảm vị đắng. Nhưng nếu thích, bạn cũng có thể ăn kèm sữa, tào phớ, sữa đậu nành hay sữa chua... tùy theo khẩu vị.
3. Thạch găng
Khác với các loại thạch được làm từ những gói bột bán sẵn, thạch găng được chế biến khá cầu kỳ. Thạch găng được làm thủ công từ lá găng, giữ nguyên được màu xanh rêu đặc trưng của lá. Màu thạch cũng trong và mát mắt nhưng sậm hơn chứ không sáng màu như các loại thạch khác.
Thạch găng ăn mềm mịn hơn và có mùi thơm mát rất đặc biệt. Thạch găng truyền thống thường được ăn kèm với nước đường pha loãng. Ngày nay, nhiều hàng quán thường bán kèm sữa đậu nành, tào phớ, trân châu, ăn cũng khá hợp vị và lạ miệng.
4. Caramen biến tấu
Không còn xa lạ gì với thực khách Hà Thành, những hàng quán bán caramen với đủ kiểu biến tấu luôn đắt khách mỗi dịp hè về. Tùy theo phong cách riêng của từng quán, có nơi chế biến caramen ăn kèm với các loại thạch, nơi thêm vào bát caramen vài viên long nhãn rắc dừa khô...
Dù chế biến theo kiểu nào, món caramen cũng giữ nguyên được vị ngậy ngậy, béo béo của trứng, sữa và hương thơm đặc trưng của nước đường thắng hay cafe.
Phong trào “biến tấu” các món caramen bắt nguồn từ những hàng quán trong khu chợ Nguyễn Công Trứ và hiện đã được áp dụng ở rất nhiều hàng quán khắp Hà Nội, nổi nhất là khu vực Hàng Than, Nguyễn Thượng Hiền, Phố Huế…
5. Sữa chua mít
Khu vực bán dữa chua mít nổi tiếng nhất Hà Nội phải kể đến dãy quán liền nhau ngay đầu đường Bà Triệu, phía gần Hồ Gươm hay những quán chè trong một con ngõ nhỏ đầu Phố Huế.
6. Thạch/kem trái dừa
Thạch và kem trái dừa cũng là một trong những món ăn khá đắt hàng ngày nắng nóng. Thạch dừa sương sa được đựng trong một trái dừa non, nhìn qua đã thấy hấp dẫn. Khi ăn có thể vừa xắt nhỏ miếng thạch, vừa nạo thêm phần cùi dừa non mềm mềm, thơm ngọt ăn kèm. Ngoài thạch dừa nguyên bản, còn có thêm loại thạch dừa vị sầu riêng cũng được nhiều người ưa chuộng.
Cũng tương tự, kem trái dừa là những viên kem được đặt gọn trong lòng một quả dừa non. Bên trên thường được rắc thêm dừa khô, lạc rang và vài quả sêri đỏ tươi đẹp mắt. Thạch và kem trái dừa đều nhiều hơn hẳn một cốc thạch hay kem thông thường, và giá cũng nhỉnh hơn đôi chút, trung bình khoảng 30 – 35 ngàn/trái.
7. Sữa chua dẻo
Cũng mang vị ngọt, chua pha lẫn và thơm dịu tương tự sữa chua thông thường, nhưng sữa chua dẻo lạ miệng hơn. Sữa được pha cùng getatine, cô lại dẻo quánh, xắt được thành viên như thạch, khi ăn tan dần trong miệng rất hấp dẫn.
Sữa chua dẻo thường được ăn kèm với trái cây như chuối thái lát, dâu tây xắt nhỏ… hay rắc chút bột trà xanh, bột ca cao cũng rất thơm ngon, lạ miệng.
8. Tào phớ biến tấu
Nếu như trước đây, tào phớ chỉ đơn giản là một bát phớ thêm ít nước đường và vài ba viên đá thì ngày nay, tào phớ cũng được chế biến thành một món chè đủ vị. Tùy theo khẩu vị, người ăn có thể thêm vào đó vài viên thạch nhiều màu, trân châu giòn giòn, hạt é cùng vài loại trái cây xắt nhỏ như mít, dừa…
Hàng quán tào phớ biến tấu được biết đến nhiều nhất ở khu chợ Nghĩa Tân, Nguyễn Du, Hàng Lược, Xã Đàn… Giá một bát tào phớ cũng thường rẻ hơn các loại chè, caramen một chút, khoảng 5 – 15 ngàn đồng/bát.
9. Chè khúc bạch
Chè khúc bạch cũng là một trong những món chè nhẹ nhàng, thanh mát đặc trưng của Hà Nội. Khúc bạch được chế biến từ sữa tươi và kem tươi, mang vị ngậy và mát rất dễ chịu. Chè khúc bạch thường có thêm long nhãn, hạnh nhân, hạt é… ăn khá lạ miệng và ấn tượng.
Chè khúc bạch được bán nhiều ở phố Hàng Tre, Hàng Giấy, khu đường Điện Biên Phủ giao với Hàng Bông…
Nguồn thông tin được GUU 4YOU sưu tầm từ Internet