"Lần đầu đến lớp, cô giáo chỉ đi chỉ lại, mình không thể nào leo lên được cây cột. Về nhà chân tay đau ê ẩm lại bầm tím, nhiều khi định bỏ cuộc. Rất may cô động viên, mình cố gắng bám trụ được 8 tháng, giờ thì thành đam mê rồi", cô gái 27 tuổi, làm kế toán của một ngân hàng tại quận 5, TP HCM, chia sẻ.
Cô Kiều Võ Minh Ngọc (bên phải) trong một buổi tập luyện. Ảnh: Thi Ngoan. |
"Cửa ải" khó khăn nhất đối với chị Hiền chính là chồng. Vừa nghe vợ ngỏ ý đi học múa cột, anh gạt phăng ngay vì cho rằng môn này chỉ dành cho hạng vũ nữ không đứng đắn. Thuyết phục không được, chị đành lén lút đi học. Mỗi buổi chiều sau khi tan sở, người mẹ ghé trường đón con trai rồi qua lớp múa cột.
Từ khi đi học về, chị Hiền trở nên nhanh nhẹn hơn hẳn, ngấn mỡ vòng 2 giảm rõ rệt, những triệu chứng của căn bệnh rối loạn tiền đình, chóng mặt, thấp khớp cũng không thấy nữa. Lúc này chị mới mạnh dạn thú thật chuyện giấu chồng đi múa cột. "Tôi mở video lớp học cho xem, anh xã chép miệng trách nhưng không một lời phản đối. Dù không ra mặt ủng hộ nhưng tôi biết là chồng không còn ác cảm với môn thể thao này", bà mẹ 2 con hồ hởi khoe.
Ảnh: Khổ luyện múa cột
Huấn luyện viên hướng dẫn học viên thực hiện những động tác khó. Ảnh: Thi Ngoan. |
Ân tâm sự: "Mình làm văn phòng ngồi nhiều, mỡ bụng thành từng ngấn nên ngại diện đồ hở hang lắm. Cô giáo không bắt buộc mà chỉ khuyến khích mặc bikini cho gia tăng độ bám. Sau buổi đầu tự trải nghiệm, mình mới hiểu và mặc 2 mảnh, giờ thì quen rồi".
Với kinh nghiệm 6 năm dạy nhiều môn thể thao và vũ đạo chuyên nghiệp, cô Kiều Võ Minh Ngọc, Trung tâm VDance (quận 10, TP HCM) cho biết múa cột không hề đơn giản như nhiều người nhầm tưởng. Các nước trên thế giới công nhận đây là một môn thể thao được dạy phổ biến ở nhiều trung tâm và trường học. Tuy nhiên người Việt Nam thường có cái nhìn không thiện cảm về bộ môn này. Múa cột thường gắn với hình ảnh các cô gái ăn mặc gợi cảm, đi giày gót nhọn, uốn éo và trườn quanh một cây cột để mua vui cho đàn ông trong các quán bar.
Niềm vui của những học viên mới khi "bay" được trên cây cột. Ảnh: Thi Ngoan. |
Cô giáo 9x, từng là huấn luyện viên hướng dẫn các nghệ sĩ tham gia cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ, nói: "Với mỗi động tác, bạn phải huy động toàn bộ cơ và xương, dốc hết thể lực, đồng thời phải thuần thục kỹ thuật mới thực hiện được. Đổi lại, sau một thời gian tập, bạn sẽ có được sức khỏe, sự khéo léo, dẻo dai, thân hình quyến rũ hơn, khắc phục tình trạng lưng gù, chân vòng kiềng. Chỉ cần kiên nhẫn vượt qua 8 buổi tập đầu tiên là sẽ thành công".
Điều khiến cô giáo trẻ băn khoăn nhất là hiện nay nhiều người thường đánh đồng múa cột với hình ảnh các cô gái làng chơi, uốn éo trên sân khấu chỉ vì đồng tiền. Theo cô, các vũ công ở quán bar thường tận dụng thể hình đẹp của mình để tạo dáng bên cây cột mà không phải sử dụng kỹ thuật nhiều nên không phải qua trường lớp chuyên nghiệp. Còn với môn múa cột nghệ thuật, không cần học viên phải có ngoại hình đẹp bởi mục tiêu là giúp họ cải thiện khiếm khuyến hình thể. Dù vậy, đỏi hỏi họ phải học thật bài bản và nghiêm túc.
Không chỉ riêng TP HCM, hiện nay tại Hà Nội và các tỉnh thành khác, múa cột đang trở thành trào lưu thu hút nhiều người, đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề. Lớp học của huấn luyện Minh Ngọc năm ngoái chỉ lác đác vài học viên. Đến nay cô đã mở thêm 3 lớp mới mà vẫn không đáp ứng đủ. Cô giáo cho biết, ngoài trung tâm VDance, tại Sài Gòn có nhiều cơ sở dạy múa cột thu hút đông đảo học viên như Cali wow, Sài Gòn bellydance... Học phí trung bình mỗi người từ 600 đến 800 nghìn đồng một tháng.
Thi Ngoan
* Video: Bên trong một lớp dạy múa cột ở Hà Nội
Nguồn thông tin được GUU 4YOU sưu tầm từ Internet