Nguyên liệu:
- 300g sấu xanh
- 200ml nước mắm
- 50ml nước
- 2 củ tỏi
- 7 - 8 quả ớt
- 1 thìa cà phê muối
Cách làm:
- Sấu chọn loại xanh vừa, không non quá và cũng không già thì khi ngâm mắm ăn sẽ ngon hơn. Rửa sạch, gọt vỏ.
- Ngâm sấu vào bát nước có pha muối khoảng 30 phút cho sấu ra bớt nhựa, vớt sấu ra rổ để sấu thật khô.
- Ớt rửa sạch, cắt bỏ cuống. Tỏi bóc vỏ, có thể để nguyên tép hoặc thái lát mỏng tùy vào sở thích.
- Cho nước mắm và nước vào nồi, bắc lên bếp đun sôi khoảng 2 phút thì thả ớt và tỏi vào, bắc xuống để nguyên trong nồi hoặc đổ ra bát, đợi hỗn hợp nước mắm ớt tỏi thật nguội. Ở công thức này mình dùng nước mắm thường, có độ mặn vừa phải, nếu sử dụng nước mắm cốt (vốn có độ đạm và độ mặn cao) thì các bạn điều chỉnh giảm xuống còn khoảng 1/2 lượng nước mắm ban đầu hoặc tùy khẩu vị mà gia giảm sao cho hỗn hợp có được độ mặn ưng ý nhé.
- Chuẩn bị một lọ thủy tinh có nắp, tráng nước sôi, để ráo. Xếp sấu vào lọ rồi đổ nước mắm đã nguội vào.
- Tùy vào lọ đựng mà lượng mắm có thể nhiều ít khác nhau, nếu thiếu mắm thì các bạn đun thêm theo tỉ lệ ở phần công thức nhé
- Đậy kín nắp, sau thời gian khoảng 4 ngày sấu đã đủ thời gian cần thiết để ngấm mắm là các bạn có thể ăn được.
2. Nước sấu ngâm đường
Nguyên liệu:
- 1kg sấu xanh
- 1kg đường hoa mai hoặc đường trắng
- 50g gừng
- 10g muối
Cách làm:
- Sấu chọn quả xanh, tròn đều không bị dập. Dùng dao hoặc dụng cụ chuyên nạo sấu để gọt sạch vỏ. Các bạn không nên cạo vỏ sấu vì như vậy sẽ không loại bỏ được nhựa sấu khiến sấu nhanh chóng bị thâm và chát.
- Nếu sấu còn non, các bạn để nguyên quả, dùng dao khía 2 đường trên quả sấu. Nếu sấu đã già hơn, các bạn dùng dao nhỏ và sắc khía vòng tròn xung quanh hạt sấu để tách 2/3 cùi sấu, 1/3 cùi sấu vẫn dính vào hạt.
- Rửa sạch rồi ngâm sấu trong một chậu nước có pha muối, 10 phút sau vớt sấu ra (không ngâm lâu vì sấu dễ bị nhũn), xả lại một lần nữa với nước đun sôi để nguội rồi vớt ra rổ cho ráo nước.
- Cho sấu vào lọ hoặc bát to đã tráng nước sôi, lần lượt rải 1 lớp sấu - 1 lớp đường. Đậy nắp lại, để nơi thoáng mát đến khi đường tan.
- Sau 1 ngày đường tan và ngấm vào quả sấu, nếu ngâm sấu non thì quả sấu sẽ quắt lại và nổi lên như thế này trên lượng đường nhỏ chưa tan hết sẽ chìm xuống đáy.
- Chắt nước sấu ra nồi, rắc 1 dúm muối nhỏ và thả gừng thái sợi hoặc đập dập vào đun cùng giúp tạo mùi thơm cho nước sấu.
- Khi nước sấu sôi được khoảng 3 phút thì các bạn tắt bếp, đợi nước sấu nguội hoàn toàn mới đổ nước sấu trở lại vào lọ ngâm cùng với quả sấu.
- Pha nước sấu ngâm với đá là các bạn sẽ có ngay một cốc nước giải khát tuyệt vời.
Chú ý: Nước sấu nổi váng thường do 3 nguyên nhân:
- Do dụng cụ đựng chưa được diệt khuẩn.
- Do sấu bị dính nước lã.
- Do lượng đường ngâm quá ít.
Vì vậy các bạn nên chú ý cẩn thận trong các khâu nhé. Sấu ngâm sẽ để được lâu hơn nếu các bạn đun kĩ phần nước sấu hoặc bảo quản trong tủ lạnh.
3. Vịt om sấu
Nguyên liệu:
Để nấu được món vịt om sấu chuẩn vị Bắc, bạn cần chuẩn bị sẵn các nguyên liệu sau:
- Vịt 1 con (1,5-2kg) làm sạch
- 10 - 15 quả sấu xanh
- 0,5kg khoai sọ loại củ nhỏ
- Hành khô, mùi tàu, tỏi, xả
- Muối, tiêu, ớt, gừng, nước mắm
Cách làm:
- Gừng giã nhỏ trộn với muối xát lên vịt cho sạch, không bị hôi rồi rửa sạch lại, chặt miếng vừa ăn.
- Hành, tỏi, xả đập dập, thái lát mỏng
- Ướp thịt vịt 1/3 muỗng canh muối ,1/2 muỗng canh hạt nêm,1/3 muỗng cà phê tiêu, cùng 1/2 (hành, tỏi, sả) . Để 30 phút cho ngấm.
- Khoai sọ rửa sạch, luộc qua với nước sôi khoảng 5ph rồi đem xả nước lạnh là có thể dễ dàng bóc vỏ mà không hề bị nhớt hay ngứa tay
- Sấu cạo vỏ ngâm nước lạnh
- Rau ngổ, mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ
- Đun dầu nóng già cho 1/2 (hành + tỏi + sả )còn lại phi thơm. Tiếp đến cho thịt vịt xào săn.
- Cho sấu vào nồi, đổ nước cho ngập thịt, om cùng sấu đến khi thịt vịt hơi mềm thì cho khoai vào đun cùng.
- Dầm sấu từ từ khi thấy vừa đủ độ chua thì ngừng, nêm nếm lại gia vị, rắc mùi tàu, rau ngổ, ớt thái sợi. Múc ra bát, ăn nóng kèm cơm hoặc bún.
Lưu ý: Có thể dùng nước dừa tươi thay nước lạnh để món vịt om sấu có vị ngậy, sánh, thơm mùi dừa.
Nguồn thông tin được GUU 4YOU sưu tầm từ Internet