Nội dung
Buồn nôn, nôn, phù, tăng huyết áp,… là biểu hiện thường thấy ở thai phụ, thế nhưng, nếu không cảnh giác, mẹ bầu có thể đối mặt với nhiều biến chứng sản khoa nguy hiểm.
Mất mạng vì coi thường ốm nghén
Năm 2013, bệnh viện Phụ sản Trung ương tiếp nhận một ca nhiễm độc thai nghén thể nặng hi hữu. Nói là hi hữu là bởi bản thân thai phụ - chị Phạm Thị N. (28 tuổi, xóm Trung Tân, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cũng là người đang công tác trong ngành y với vị trí là y tá của một trường học nhưng lại không hay biết về tình trạng nhiễm độc nguy hiểm của bản thân, dẫn đến biến chứng sản khoa nghiêm trọng. Theo đó, mặc dù cơ thể có những biểu hiện bất thường như: nôn mửa thường xuyên, mệt mỏi, phù toàn thân…, song chị N. chỉ nghĩ đơn giản đó là ốm nghén nên cả thai kỳ không đi thăm khám (chỉ siêu âm). Đến tuần thứ 35, khi toàn bộ da trên cơ thể dần chuyển vàng, chân phù nề nặng, chị mới đến bệnh viện địa phương làm các xét nghiệm và ngay sau đó đã được chuyển ra bệnh viện Phụ sản Trung ương để xử lý.

Tại đây, với kết luận suy đa tạng, các bác sĩ buộc phải mổ lấy thai sớm để bảo vệ tính mạng của cả mẹ lẫn con. Thai phụ sau đó được chuyển sang bệnh viện Bạch Mai để tiến hành lọc máu, chạy thận để thay huyết tương. Bệnh nhân được cấp cứu liên tục nhưng sau 11 ngày vẫn hôn mê, tiên lượng rất xấu và đã tử vong sau đó dù bác sĩ và gia đình đã dốc toàn lực để chăm sóc.

Trường hợp của chị N. chỉ là 1 trong số rất nhiều ca cấp cứu vì nhiễm độc thai nghén thể nặng. Riêng tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện Bạch Mai, trong 3 năm qua đã tiếp nhận hơn 60 trường hợp gặp phải biến chứng sản khoa, trong đó 1/4 trường hợp là do nhiễm độc thai nghén. Thực tế, thai phụ nào cũng có nguy cơ nhiễm độc, song nguy cơ cao là những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, người béo phì, mang thai đôi, nhiều nước ối, có bệnh tiểu đường, mang thai dưới 20 tuổi và trên 40 tuổi…

Coi chừng nôn, phù, tăng huyết áp

Nhiễm độc thai nghén là khái niệm được nhắc đến khá nhiều, nhưng nó là cụ thể là gì, biểu hiện thế nào thì không phải ai cũng hiểu. Về bản chất, đây là khái niệm xuất phát từ quan điểm: khi có thai, phôi thai và nhau phát triển trong tử cung sản sinh ra những chất lạ, “gây độc” cho người mẹ và cơ thể mẹ sẽ phản ứng lại bằng các biểu hiện như: buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn, phù, huyết áp tăng… Các biểu hiện này nếu xuất hiện ở thể nhẹ và thoảng qua thì đó là bình thường, song ở thể nặng, nó cần được tầm soát hợp lý nếu không sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Những biểu hiện nguy hiểm trong khi mang thai
                            Ốm nghén nặng khiến phụ nữ mang bầu mệt mỏi
Nhiễm độc thai nghén có nhiều biểu hiện, tuy nhiên, nôn, phù, tăng huyết áp được coi là các biểu hiện lâm sàng điển hình nhất trong xem xét cảnh báo các dấu hiệu nguy hiểm của thai kỳ. Cụ thể, nếu buồn nôn và nôn ói kéo dài trong nhiều ngày liền khiến bà bầu không thể ăn uống là vô cùng nguy hại, bởi lẽ, nó sẽ làm thai phụ mất nước, mệt mỏi và giảm cân. Trong trường hợp này, nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra một số biến chứng như suy dinh dưỡng, suy thận, hạ đường huyết, hội chứng Mallory-Weiss, rối loạn đông máu… rất nguy hiểm và thậm chí còn nguy hại đến tính mạng. Do đó, khi nôn ói làm bà bầu mất đi 5% trọng lượng cơ thể so với trước khi mang thai thì cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra kịp thời.
Nếu nôn ói nặng nề đi kèm với hiện tượng chảy máu âm đạo, chóng mặt, đau thắt vùng bụng dưới… rất có thể đây là triệu chứng của sảy thai, các vấn đề về nhau thai hoặc một bệnh nguy hiểm nào đó. Bạn cần đến bệnh viện ngay để kịp thời kiểm tra và chữa trị.

Tương tự, phù là hiện tượng xảy ra khá phổ biến ở 3 tháng cuối thai kỳ và đa phần nó là bình thường do các tĩnh mạch bị thai chèn ép. Hiện tượng này sẽ mất đi sau một đêm ngủ gác chân lên cao. Tuy nhiên, nếu đã được nghỉ ngơi và làm theo chỉ định của các bác sĩ mà chân, thậm chí là mặt, toàn thân vẫn mọng nước thì cần cảnh giác cao độ vì như thế nghĩa là cơ thể bạn đang có dấu hiệu nhiễm độc thai nghén thể nặng. Trong trường hợp bạn còn cảm thấy bị nhức đầu, mờ mắt thì điều đó càng nguy hiểm và cần đến bệnh viện thăm khám càng sớm, càng tốt.

Một dấu hiệu nữa cảnh báo nguy hiểm trong thai kỳ đó là huyết áp tăng. Bình thường, huyết áp cao sẽ có các biểu hiện như: hay bị nhức đầu, bốc nóng lên mặt, giật giật ở thái dương hay ù ù trong tai…, tuy nhiên, có những người lại không có dấu hiệu nhận biết rõ rệt hoặc khi nhận biết được thì đã ở thể nặng. Do đó, với thai phụ, điều cần thiết là cần được kiểm soát huyết áp định kỳ và nếu có dấu hiệu của cao huyết áp thì cần tuân thủ đầy đủ chỉ định của bác sĩ.

Ngoài các dấu hiệu lâm sàng, một dấu hiệu nữa cũng cảnh báo tình trạng nguy hiểm khi mang thai, nhưng cần phải xét nghiệm mới thấy được, đó là protein niệu. Protein niệu chỉ tình trạng trong nước tiểu có xuất hiện đạm. Theo đó, nếu xét nghiệm nước tiểu mà kết quả cho protein niệu lớn hơn 0,3g/l là bất bình thường và cần theo dõi chặt chẽ, các mẹ nhé!
Những biểu hiện nguy hiểm trong khi mang thai
          Mẹ bầu cần được chăm sóc sức khoẻ thường xuyên
Thực tế, trong quá trình mang thai, nhiều người chỉ có thói quen siêu âm kiểm tra sức khỏe thai nhi mà bỏ quên việc khám thai định kỳ. Việc này sẽ khiến bạn không thể phát hiện ra những bất thường của cơ thể cũng như không có biện pháp can thiệp kịp thời, dẫn tới chỉ phát hiện bệnh khi đã quá muộn. Do đó, trong giai đoạn nhạy cảm này, luôn tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc: phòng hơn chống, các mẹ nhé!

Nguồn thông tin được GUU 4YOU sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Suy giảm nhận thức vì giun, sán chó, mèo

Tất nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh giun, sán chó, mèo hoàn toàn có thể điều trị khỏi, thế nhưng, thực tế là, bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn nên sức khỏe đã bị ảnh hưởng ít nhiều. Không ít những trường hợp còn bị động kinh, trí não suy giảm bởi loài giun, sán này. Thế nên, phòng bệnh vẫn là yếu tố cần được ưu tiên hàng đầu với những gia đình đang nuôi chó, mèo hiện nay.

Xem thêm  

Bí quyết chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Vì những lý do trên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo trẻ sau 6 tháng tuổi cần được cung cấp thêm thực phẩm phụ trợ ngoài sữa mẹ, còn gọi là ăn dặm. Việc bổ sung thức ăn ngoài cần đảm bảo cân đối, hợp lý, an toàn, cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng để trẻ được phát triển tốt.

Xem thêm