Quả vải. Ảnh: Menchies. |
Vị ngọt của vải có tác dụng làm mát huyết, bồi bổ tân dịch. Cùi vải có thành phần của nước. Nước thuộc âm, thận của người chủ thủy, ăn vải vào mùa hè bồi bổ cho thận âm thêm mạnh, làm mát bàng quang nên không bị đi tiểu rắt. Vị chua của vải đi vào gan giúp tăng cường điều tiết, giải độc, làm mát nên dễ ngủ, ăn uống tiêu hóa tốt. Quả vải thường ăn tươi. Nếu làm thuốc thì bóc ra lấy cùi sấy khô, liều dùng ngày từ 6 đến 12 g trong một số bài thuốc để thanh nhiệt giải độc.
Hạt vải trong Đông y gọi là lệ chi hạch, vị hơi ngọt, tính sáp vào kinh tỳ vị và kinh thận, tác dụng làm ấm trung tiêu, điều hòa tỳ vị, giúp cho thận điều khí tốt. Hạt phơi khô, giã nát, tẩm muối sao giúp điều trị chứng tràng vị đau do thấp nhiệt, tinh hoàn sưng đau. Trong bài thuốc chữa vô sinh của nam giới bao giờ cũng có vị lệ chi hạch để kích thích tinh hoàn sinh ra tinh trùng, liều dùng từ 8 đến 16 g mỗi ngày.
Đông y phân chia cơ thể người thành các nhóm: Tạng nhiệt (nóng), hàn (mát) và không hàn không nhiệt (ôn hòa). Quả vải có tính ấm nên những người tạng hàn hoặc ôn hòa có thể ăn nhiều trái này sẽ tốt. Người tạng nhiệt nên ăn ít. Cụ thể, người hàn (mát) hoặc ôn hòa có thể ăn từ 15 đến 20 quả tươi mỗi ngày, chia làm 2 lần sáng và chiều. Người tạng nhiệt ăn nhiều dễ sinh nóng nên dùng tối đa 10 quả, chia làm hai lần trong ngày. Trẻ dưới 6 tuổi ăn từ 3 đến 4 quả, chia làm hai lần trong ngày.
Nhìn chung cơ thể chúng ta cần nhiều chất trong một ngày. Người xưa dạy “ăn uống phải điều độ”. Không nên ăn một chất với số lượng nhiều trong ngày sẽ không hấp thu hết, phải đào thải quá nhiều, làm cơ thể mất cân bằng âm dương mà sinh bệnh. Chẳng hạn như bệnh tiêu chảy đối với người cơ thể tạng hàn. Đối với người cơ thể tạng nhiệt dễ sinh ra chứng rôm sảy, nóng trong người, táo bón, đại tiện ra máu... Người bệnh tiểu đường dù cơ thể là hàn cũng không nên ăn nhiều.
Theo Sức khỏe và Đời sống
Nguồn thông tin được GUU 4YOU sưu tầm từ Internet